5 thực phẩm bác sĩ tim mạch khuyên nên ngừng ăn

Bác sĩ tim mạch Anh khuyên tránh ngũ cốc ăn sáng, khoai tây chiên, đồ uống có ga… trong bối cảnh số tử vong vì bệnh tim mạch dẫn đầu toàn cầu.

Quỹ Tim mạch Anh nhận định nước này đang ở trong “cuộc khủng hoảng chăm sóc tim tồi tệ nhất từ trước đến nay”, khi 39.000 người Anh chết sớm vì bệnh tim mạch vào năm 2022. Bất bình đẳng về sức khỏe ngày càng gia tăng, đại dịch Covid và áp lực lâu dài với dịch vụ y tế quốc gia góp phần khiến tình trạng sức khỏe tim mạch ngày càng tồi tệ.

TS.BS Neil Srinivasan, điều hành một phòng khám tim mạch tại Anh, cho biết bệnh tim và đột quỵ vẫn là những “kẻ giết người” lớn nhất ở phương Tây, bất chấp những tiến bộ y tế. Béo phì, tiểu đường và lối sống ít vận động dẫn đến tăng cholesterol, huyết áp cao và kháng insulin là những vấn đề lớn trong cuộc sống hiện đại. Điều này có sự góp phần rất lớn của thực phẩm siêu chế biến.

Điều nằm trong tầm kiểm soát của mỗi người là lựa chọn những thực phẩm có thể bảo vệ hoặc gây hại cho trái tim. Bác sĩ khuyên mọi người nên tránh 5 thực phẩm sau:

Ngũ cốc ăn sáng chế biến sẵn

Thưởng thức một bát ngũ cốc ăn sáng chế biến sẵn chứa nhiều đường là một trong những cách ít lành mạnh nhất để bắt đầu ngày mới. TS Srinivasan cho biết chúng là thực phẩm siêu chế biến (UPF), “kẻ thù số một”. Nghiên cứu gần đây theo dõi 10.000 phụ nữ Australia trong 15 năm, cho thấy những người tiêu thụ lượng thực phẩm chế biến sẵn cao nhất trong chế độ ăn uống có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn 39% so với những người dùng ở mức thấp nhất.

Hầu hết loại thực phẩm trải qua một vài quy trình sản xuất dưới hình thức cắt nhỏ, nấu, nướng, lọc hoặc đóng hộp. Tuy nhiên, UPF trải qua quá trình xử lý nhiều hơn. Phân tích trên một triệu người cho thấy những người tiêu thụ nhiều UPF tăng 24% nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng về tim và tuần hoàn bao gồm đau tim, đột quỵ và đau thắt ngực.

Bánh ngọt nướng, thanh ngũ cốc và bánh quy mang đi đều thuộc danh mục UPF. Những sản phẩm này được sản xuất bằng cách chế biến công nghiệp. Chúng chứa chất phụ gia như màu thực phẩm, hương vị, chất nhũ hóa hoặc chất bảo quản, cũng như phân hủy thực phẩm ban đầu thành các chất bao gồm dầu, đường và tinh bột. Đồ nướng nổi tiếng là làm tăng LDL – loại cholesterol xấu – tích tụ trong thành động mạch.

Giải pháp thay thế

Cháo tự làm (không phải loại nấu hai phút trong lò vi sóng), trái cây tươi, sữa chua nguyên chất hoặc bánh mì nguyên hạt, chất lượng cao, có thể thay thế ngũ cốc. Tiến sĩ Srinivasan gợi ý chọn bánh mì đặc, dai, kiểu đồng quê, không thêm đường hoặc bơ. Nên sử dụng dầu ô liu thay cho bơ trên bánh mì giòn, chỉ dùng bánh ngọt và bánh quy cho những dịp đặc biệt.

TELEMMGLPICT000373275520 17126 5449 2373 1712975840

5 loại thực phẩm chuyên gia tim mạch khuyên tránh. Ảnh: Telegraph

Salami (xúc xích Italy)

Loại thực phẩm chứa nhiều muối này rất ngon, đặc biệt là khi dùng để làm một chiếc bánh pizza với sốt pepperoni phủ lên trên. TS Srinivasan cho biết ông cố gắng hết sức để tránh những thực phẩm này, cùng với bánh nướng và các loại thịt phủ bánh ngọt như xúc xích cuộn, vì chúng chứa rất nhiều chất béo bão hòa.

Nhiều loại thịt trong số này được chiên với dầu, bơ – đặc biệt có hại cho cơ thể xử lý cholesterol và bệnh tim. Thêm mỡ, chiên ngập dầu hoặc gói gia vị trong thịt xông khói có thể giúp tăng hương vị nhưng cũng tăng nhiều chất phụ gia. Thịt đỏ và thực phẩm chiên rán làm tăng mức cholesterol xấu. Thức ăn chiên làm tăng lượng calo, chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa và cholesterol được thực phẩm hấp thụ trong quá trình này.

Hơn nữa, xúc xích Italy và những thứ tương tự đều chứa đầy muối. Quá nhiều natri sẽ kéo nước trở lại máu. Càng nhiều nước trong mạch máu, huyết áp sẽ càng cao, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và tuần hoàn.

Giải pháp thay thế

Bạn không cần phải ăn chay mà hãy tự nướng thịt. Ăn quá nhiều chất đạm có thể hại thận, nhưng không nhất thiết có hại cho tim. Vì vậy, protein nạc như thịt gà (không có da) hoặc cá (đặc biệt cá có dầu) là những phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng.

Hãy thử nghiệm lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời bổ sung thêm khẩu phần rau cho cả bữa trưa và bữa tối. Srinivasan khuyên nên ăn ít nhất ba phần một tuần các loại đậu, chẳng hạn như đậu lăng, đậu xanh, đậu Hà Lan…

Khoai tây chiên giòn

Phải có “bản lĩnh siêu phàm” mới có thể chống lại cám dỗ trước một ống khoai tây chiên, nhưng thông điệp từ chuyên gia là hãy tránh xa. Những thực phẩm này rất dễ gây nghiện. Hạn chế thức ăn nhẹ như khoai tây chiên giòn sẽ làm giảm lượng calo và tránh sự thay đổi lớn về lượng đường trong máu.

Khoai tây chiên giòn thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa và natri, ít kali và chất xơ. Tất cả đều liên quan đến bệnh tim. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy chúng có thể góp phần làm tăng năng lượng nạp vào và tăng cân, có thể là do tỷ trọng năng lượng cao. Ăn quá nhiều không chỉ góp phần gây béo phì mà còn gây xơ vữa động mạch, dẫn đến các cơn đau tim.

Giải pháp thay thế

Tiêu thụ một ít hạt thô mỗi ngày như một sự thay thế lành mạnh, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.

Kem

Kem cũng là món nên hạn chế, bởi với quá trình chế biến nhiều công đoạn, thuộc danh mục UPF. Một nghiên cứu từ Tây Ban Nha theo dõi gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy mối liên hệ giữa UPF và nguy cơ tử vong sớm. Những người ăn nhiều nhất (4 phần trở lên mỗi ngày) nguy cơ tử vong cao hơn 62% sau trung bình 10 năm so với những người ở nhóm thấp (ăn 2 phần ăn trở xuống).

Giải pháp thay thế

Trái cây hấp hoặc tươi là tốt nhất. Nên duy trì 3 phần trái cây tươi mỗi ngày.

Đồ uống có ga

Hấp thụ quá nhiều đường từ đồ uống có ga liên quan đến nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường type 2. Do đó, nên cắt bỏ hoàn toàn thức uống này.

Giải pháp thay thế

Nên dùng nước, nước trái cây. Mỗi ngày có thể dùng 1-3 tách cà phê. Thay bia hoặc rượu bằng rượu vang, không quá hai ly 148 ml mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ.

Thanh Thúy (Theo Telegraph)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *