AustraliaĂn nhiều đường có thể khiến não bộ vận động thái quá, gây thiếu hụt nhận thức, hoặc gây nghiện, tăng nguy cơ mắc các bệnh sức khỏe tâm thần.
Glucose – một loại đường đơn có trong hầu hết thực phẩm giàu carbohydrate – là nguồn năng lượng chính cho não, cung cấp dinh dưỡng để bộ não tăng trưởng, học tập và phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không đồng nghĩa tiêu thụ nhiều đường sẽ tốt với não. Trên thực tế, ăn quá nhiều đường có thể ảnh hưởng xấu đến cơ quan quan trọng này.
Lina Begdache, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, Giáo sư Dinh dưỡng, Đại học Binghamton, Mỹ, cho biết tiêu thụ nhiều thực phẩm có đường dễ gây lo lắng, trầm cảm, gián đoạn giấc ngủ.
Bà cho biết bộ não được cấu thành từ tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm. Hai loại tế bào này có nhu cầu trao đổi chất khác nhau, nhưng glucose là nguồn năng lượng chính. Việc ăn quá nhiều glucose hoặc đường có thể khiến não hoạt động quá mức. Một số bằng chứng cho thấy não vận động thái quá sau khi ăn đường ở thanh thiếu niên có thể gây thiếu hụt nhận thức ở tuổi trưởng thành.
Trong nghiên cứu do phòng thí nghiệm Khoa học Thần Kinh và Béo phì, Viện nghiên cứu Dịch thuật, Đại học Công nghệ Queensland thực hiện, các nhà khoa học đã chia chuột thí nghiệm thành hai nhóm, cho uống đường hoặc nước tinh khiết. Kết quả cho thấy những con chuột uống đường có biểu hiện hiếu động thái quá, kích thích gia tăng. Lượng đường cao làm giảm tế bào vùng đồi thị, ảnh hưởng đến sự hình thành thần kinh.
Ăn quá nhiều đồ ngọt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Ảnh: Freepik
Đường cũng có tác dụng gây nghiện, vì nó kích thích tế bào thần kinh trong hệ thống tưởng thưởng của não, còn được gọi là hệ viền. Khi được kích hoạt, hệ viền tạo ra những cảm xúc cao độ, giống với khoái cảm. Điều này khiến con người tiêu thụ nhiều đường hơn nữa.
Nghiên cứu xuất bản trên Science Direct năm 2007 cho thấy ăn đường liên tục khiến nhiều người có biểu hiện tương tự các hành vi được quan sát thấy ở những con chuột thí nghiệm bị phụ thuộc thuốc.
Thực tế, khái niệm “nghiện đường” cũng được giới khoa học đề cập trong nhiều năm. Các báo cáo lâm sàng về chứng nghiện đường đã xuất hiện kể từ năm 1996. Các nhà khoa học mô tả người tham gia thử nghiệm có “phản ứng cai nghiện” khi bị tước bỏ các loại thực phẩm giàu đường khỏi khẩu phần ăn hàng ngày. Họ cũng biểu hiện thèm ăn, đặc biệt là đồ ngọt hoặc các loại carbohydrate. Điều này có thể dẫn đến chứng ăn uống bốc đồng, không kiểm soát.
Ngoài ra, trong hệ viền có một cấu trúc nhỏ gọi là hạch hạnh nhân, xử lý thông tin cảm xúc. Hạch hạnh nhân hoạt động quá mức khi ăn đường có thể phóng đại cảm xúc sợ hãi và lo lắng.
Nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Science Direct chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa thói quen ăn ngọt và hiện tượng thay đổi hành vi, điều chỉnh cảm xúc kém. Các nhà khoa học cho biết tiêu thụ đường có thể cải thiện tâm trạng trong giây lát, nhưng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sức khỏe tâm thần lâu dài.
Thục Linh ( Theo Conversation)